Thận là một trong những bộ phận đóng vai trò cần thiết trong cơ thể, thận bị lão hóa hay bị các bệnh về thận sẽ để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Những tình trạng này có thể tiến triển nhanh dẫn tới suy thận mạn tính, nghiêm trọng hơn là gây tử vong. Nhận biết sớm các dấu hiệu lão hóa thận dưới đây sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị.
1. Lão hóa thận là gì?
Đặc trưng lão hóa thận là sự giảm chức năng thận tiến triển một cách tự phát, cùng với biểu hiện trên sinh thiết thận là dày màng đáy, tăng sinh trung mô và xơ hóa cầu thận khu trú từng vùng.
2. Nguyên nhân gây khiến thận lão hóa?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lão hóa thận. Trong đó, một số nguyên nhân thường gặp như:
- Sử dụng thuốc: Người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh lý. Điều này yêu cầu họ phải sử dụng một lượng thuốc lớn. Một số trường hợp còn tự ý bổ sung những loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc này có nhiều cơ chế khác nhau tác động đến thận, gây tổn thương thận. Khi sử dụng lâu dài, người bệnh có nguy cơ đối mặt với biến chứng nguy hiểm của bệnh.
- Ăn uống kém: Thói quen ăn uống hàng ngày không khoa học, ăn uống kém, cơ thể không còn nhiều sức đề kháng với các dịch bệnh, đào thải chất độc nên gây ra các triệu chứng bệnh ở người lớn tuổi.
- Mắc các bệnh lý khác: Các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp… có khả năng gây ra tổn thương cho các mạch máu trong cơ thể, trong đó có mạch máu thận. Người lớn tuổi khi mắc những bệnh mạn tính này sẽ có nguy cơ bị suy thận rất cao. Ngoài ra, bệnh xơ cứng động mạch cũng gây tổn hại mạch máu trong thận, gây ra bệnh thận ở người lớn tuổi.
3. Các triệu chứng thường gặp của lão hóa thận
Triệu chứng lão hóa thận phát triển theo thời gian khi tổn thương thận tiến triển chậm, thường không đặc hiệu. Do thận có khả năng bù trừ tốt nên trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu thường không có biểu hiện rõ rệt.
- Chán ăn.
- Buồn nôn, nôn.
- Uể oải, ớn lạnh.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Tiểu tiện bất thường: Tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hay ít hơn bình thường, màu nước nhạt hơn hay đậm hơn, nước tiểu có lẫn máu. Khi tiểu, người bệnh cảm thấy căng tức hoặc đi tiểu khó khăn.
- Sa sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt.
- Cơ bắp co giật, chuột rút.
- Tay, chân, mặt, cổ bị phù.
- Cảm giác ngứa dai dẳng.
- Xuất hiện tình trạng đau ngực nếu có tràn dịch màng tim.
- Khó thở nếu có phù phổi.
- Tăng huyết áp khó kiểm soát.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Bị đau hông lưng.
4. Phương pháp chẩn đoán
4.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp đo nồng độ creatinin. Đây là sản phẩm của quá trình chuyển hóa cơ bắp, bài tiết ra đường nước tiểu. Chỉ số này rất đáng tin cậy để đo chức năng thận và chẩn đoán suy thận cấp hoặc suy thận mạn tính. Creatinin trong máu tăng cao thường gặp trong những trường hợp suy thận do nhiều nguyên nhân gồm:
- Do nguồn gốc trước thận
- Do nguồn gốc tại thận
- Do nguồn gốc sau thận
Nồng độ creatinin trong máu phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, khối lượng cơ. Nếu nghi ngờ kết quả creatinin trong máu, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm Cystatin C. Đây là xét nghiệm đặc hiệu trong phát hiện bệnh suy thận, có độ chính xác cao, không phụ thuộc vào khối lượng cơ, độ tuổi, giới tính.
4.2. Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để đo lượng nước tiểu bài tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân, tình trạng và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh.
4.3. Sinh thiết thận
Phương pháp sinh thiết tế bào được thực hiện để chẩn đoán suy thận do tổn thương tại thận gây ra. Sinh thiết thận còn giúp bác sĩ chẩn đoán những nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác. Phương pháp này được ví như “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh cầu thận hoặc phân biệt với bệnh cơ quan khác gây suy thận.
4.4. Một số các xét nghiệm khác
- Xét nghiệm urê máu: Đây là chỉ số quan trọng để xác định tình trạng bệnh, đặc biệt trong suy thận cấp. Nitơ urê được hình thành khi gan phân hủy protein, bài tiết qua đường nước tiểu khi tích tụ tới một ngưỡng nhất định. Nồng độ urê máu cao là dấu hiệu báo hiệu bệnh như suy thận, suy tim, mất nước, tắc nghẽn đường tiểu…
- Xét nghiệm đo kali huyết: Khi xét nghiệm đo kali huyết cho chỉ số tăng cao, người bệnh có khả năng mắc phải suy thận cấp. Khi không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp tim, nguy hiểm tới tính mạng.
- Ước tính mức độ lọc cầu thận: Dựa theo tốc độ lọc và ước tính lượng máu di chuyển qua cầu thận để xác định thận đã tổn thương ở giai đoạn nào.
4.5. Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm: Phương pháp chẩn đoán này giúp phát hiện tình trạng thận ứ nước do tắc nghẽn niệu quản. Khi thận bị ứ nước hai bên có khả năng gây suy thận cấp tính hay mạn tính, phát hiện những trường hợp bệnh thận đa nang bẩm sinh, di truyền. Nếu hình ảnh siêu âm cho thấy thận có kích thước nhỏ, thay đổi cấu trúc, có nhiều nang hay mất phân biệt vỏ tủy…, đây là các dấu hiệu của bệnh thận mạn tính. Ngoài ra, siêu âm cũng giúp bác sĩ phát hiện tình trạng sỏi thận hay khối u trong thận.
- Chụp CT: Chụp CT giúp bác sĩ phát hiện ung thư, các tổn thương thận, áp xe, sỏi thận…
- Chụp MRI: Đây là phương pháp dùng sóng từ để tạo ra hình ảnh có độ tương phản cao, hỗ trợ chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thực ở thận.
5. Cách phòng ngừa lão hóa thận
- Tăng cường tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày.
- Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh tình trạng căng thẳng và áp lực kéo dài.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường của cơ thể, bao gồm cả thận.
- Duy trì huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra, thường là dưới 140/90 mmHg với người trên 65 tuổi hoặc dưới 130/80 mmHg với người dưới 65 tuổi.
- Kiểm soát nồng độ cholesterol, đường trong máu.
- Uống đủ nước mỗi ngày (1,5 – 2 lít), uống nhiều hơn trong ngày nóng.
- Chế độ ăn cần giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.
- Những người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, gia đình có tiền sử bệnh thận mạn thì cần tiến hành tầm soát chức năng thận định kỳ.
Tóm lại
Lão hóa ở thận là một quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi, đi kèm với sự suy giảm chức năng thận theo tuổi tác. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về các yếu tố góp phần vào lão hóa thận và cách phòng ngừa có thể giúp giảm thiểu tác động của quá trình này. Duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp và tiểu đường, là những biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe thận. Bên cạnh đó, việc thăm khám định kỳ và theo dõi chức năng thận cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và quản lý các vấn đề về thận. Như vậy, dù lão hóa thận là không thể tránh khỏi, nhưng với sự quan tâm và chăm sóc đúng cách, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của mình