1. Một số khái niệm cơ bản
1.1. Lão hóa xương là gì?
Lão hóa xương hay loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của 2 quá trình tạo xương và hủy xương, quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường.
Xương liên tục được hình thành và tiêu hủy. Thông thường, sự tạo xương và hủy xương diễn ra gần như cân bằng. Các tạo cốt bào (tế bào tạo nên chất nền hữu cơ của xương và sau đó khoáng hóa xương) và các hủy cốt bào (tế bào tiêu xương) được điều hòa bởi hormone tuyến cận giáp (PTH), calcitonin, estrogen, vitamin D, nhiều loại cytokine và các yếu tố cục bộ khác như là các prostaglandin.
1.2. Loãng xương là gì?
Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm suy giảm cấu trúc xương. Xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng (gọi là gãy xương do loãng xương).
Mất xương do loãng xương ảnh hưởng đến xương vùng vỏ xương và bè xương. Chiều dày vỏ, số lượng, kích thước của bè xương giảm, làm tăng độ xốp xương. Bè xương có thể bị đứt gãy gián đoạn hoặc hoàn toàn bị hủy hoại. Mất xương ở xương xốp có thể xảy ra nhanh hơn ở xương vỏ do xương ở đó rỗng hơn và chu chuyển xương nhanh hơn. Tuy nhiên cả sự mất xương ở cả xương xốp và xương vỏ đều góp phần làm yếu xương.
Mặc dù gãy xương thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh loãng xương, nhưng một số người lớn tuổi lại phát triển tư thế khom lưng (cúi người về phía trước) đặc trưng. Nó xảy ra khi xương ở cột sống bị gãy, gây khó khăn cho việc nâng đỡ trọng lượng của cơ thể.
- Loãng xương nguyên phát là gì?
Là tình trạng thiểu sản xương bệnh lý, do sự lão hóa của các tạo cốt bào. Loãng xương nguyên phát được chia thành 2 thể:
- Loãng xương typ I: loãng xương ở tuổi mãn kinh.
- Loãng xương typ II: là loãng xương tuổi già gặp ở cả nam và nữ.
Những biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khi trọng lượng xương giảm trên 30%. Sự xuất hiện từ từ tự nhiên hoặc sau một chấn thương, đôi khi tình cờ chụp X quang mà thấy:
- Đau và hạn chế vận động cột sống, cánh chậu, bả vai.
- Tái phát từng đợt, thường sau khi vận động nhiều, chấn thương nhẹ, thay đổi thời tiết.
- Cột sống giảm dần chiều cao, biến dạng đường cong sinh lý dẫn đến gù vùng lưng hay thắt lưng, chiều cao cơ thể giảm đi rõ rệt so với khi còn trẻ tuổi.
- Xương dễ gãy, đôi khi chỉ một chấn thương nhẹ cũng làm gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay, gãy lún đốt sống.
2. Nguyên nhân của lão hóa xương
- Vấn đề tuổi tác: người lớn tuổi ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D; chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu; xương bị thoái hóa. Theo thời gian, xương trở nên mỏng hơn, đồng nghĩa rằng không có nhiều hàm lượng canxi trong xương. Hơn nữa ở người cao tuổi, lượng hormone trong cơ thể được sản sinh ít đi, dẫn đến chức năng điều hòa hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm, góp phần làm giảm mật độ xương
- Hormon sinh dục nữ giảm: phụ nữ sau khi mãn kinh thì hormon sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển calci từ xương vào máu. Phụ nữ cũng bị mất xương nhanh chóng trong vài năm đầu sau thời kỳ mãn kinh. Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh loãng xương hơn nam giới, đặc biệt nếu thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm (trước 45 tuổi) hoặc họ đã cắt bỏ buồng trứng.
- Hormon cận giáp: do calci trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ calci cần thiết trong máu, khi đó hormon cận giáp tiết ra để điều calci trong xương chuyển ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ calci trong máu. Tình trạng này kéo dài làm cho kết cấu xương bị thưa loãng.
- Chứng loãng xương liên quan đến corticosteroid, được gọi là chứng loãng xương do glucocorticoid (GIOP), rất có thể gây ra gãy xương dạng lún đốt sống nhưng cũng có thể gây gãy xương ở các vị trí khác thường gặp gãy xương do loãng xương. Cường cận giáp có thể được gợi ý khi có tăng hủy xương dưới màng xương hoặc tổn thương xương dạng nang (hiếm gặp).
- Dinh dưỡng thiếu: calci, phospho, magne, albumin dạng keo, amino acid, và các nguyên tố vi lượng thiếu cũng góp phần gây loãng xương.
- Suy giảm miễn dịch: cũng góp phần gây chứng loãng xương.
3. Xác định mức độ loãng xương qua T-score và Z-score
- T-score
Mật độ xương của bạn có thể được so sánh với mật độ xương của một thanh niên khỏe mạnh. Sự khác biệt được tính bằng độ lệch chuẩn (SD) và được gọi là điểm T.
Ngưỡng T-score theo phương pháp DEXA ≤ -2,5.
Độ lệch chuẩn là thước đo độ biến thiên dựa trên giá trị trung bình hoặc giá trị kỳ vọng:
- Trên -1 SD là bình thường.
- Trong khoảng từ -1 đến -2,5 SD cho thấy tình trạng mất xương và được xác định là thiếu xương.
- Dưới -2,5 cho thấy mất xương và được xác định là loãng xương.
T-score tương ứng với số độ lệch chuẩn giữa mật độ chất khoáng trong xương của bệnh nhân với khối lượng xương đỉnh của một người khỏe mạnh, thanh niên cùng giới tính và dân tộc/chủng tộc. Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập các giá trị ngưỡng cho điểm T để xác định tình trạng thiếu xương và loãng xương (2). T score < -1,0 and > -2,5 định nghĩa là thiểu xương T score -≤ -2.5 định nghĩa loãng xương.
- Z-score
Z score tương ứng với số độ lệch chuẩn mà mật độ chất khoáng trong xương của bệnh nhân khác với mật độ chất khoáng trong xương của người cùng lứa tuổi và cùng giới và nên dùng cho trẻ em, phụ nữ tiền mãn kinh, hoặc nam < 50 tuổi. Nếu Z score ≤ -2.0, mật độ chất khoáng trong xương thấp đối với tuổi của bệnh nhân và cần tìm các nguyên nhân mất xương thứ phát.
4. Điều trị và phòng ngừa loãng xương
4.1. Tại sao nên dự phòng loãng xương từ sớm?
Thứ nhất, quá trình mất xương xảy ra âm thầm, rất ít có biểu hiện lâm sàng, nó được ví như tên “ăn cắp vặt giấu mặt”. Mỗi ngày chúng lấy đi của cơ thể một chút, lấy dần các khoáng chất quý báu của xương, đến khi có dấu hiệu lâm sàng là lúc đã bị loãng xương.
Từ sau tuổi 30, quá trình mất xương sinh lý bắt đầu xảy ra, mật độ xương giảm khoảng 0,1% – 0,5% mỗi năm. Giai đoạn này gọi là thời kỳ mất xương chậm. Sau 40 tuổi, ở phụ nữ bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Ở giai đoạn này, phụ nữ có thể mất xương từ 1 -3% mỗi năm và kéo dài 5 – 10 năm sau khi ngừng hoạt động kinh nguyệt. Trong khi ở nam, sự mất xương vẫn diễn ra nhưng ở mức từ từ.
Thứ hai, khi đã bị loãng xương, thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian, rất tốn kém và gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Thời gian điều trị thường kéo dài, có thể tới 4 -5 năm, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Bởi hai lý do trên, biện pháp điều trị loãng xương tốt nhất đó là dự phòng loãng xương càng sớm càng tốt.
4.2. Phương pháp dự phòng loãng xương hiệu quả
Dự phòng loãng xương sớm được coi là nguyên tắc vàng trong điều trị loãng xương. Việc dự phòng loãng xương không bao giờ là quá sớm, hãy “đầu tư cho xương của bạn” và “đầu tư cho xương của con bạn” ngay từ hôm nay, dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
4.2.1. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là điều cần thiết. Người lớn từ 19 đến 64 tuổi nên thực hiện ít nhất 2 giờ 30 phút hoạt động aerobic cường độ vừa phải, chẳng hạn như đạp xe hoặc đi bộ nhanh mỗi tuần. Tập thể dục chịu trọng lượng và tập thể dục sức đề kháng đặc biệt quan trọng để cải thiện mật độ xương và giúp ngăn ngừa loãng xương.
Ngoài việc tập thể dục nhịp điệu, người lớn từ 19 đến 64 tuổi cũng nên thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp từ 2 ngày trở lên trong một tuần bằng cách tập luyện tất cả các nhóm cơ chính, bao gồm chân, hông, lưng, bụng, ngực, cánh tay và vai.
Các bài tập chịu lực tác động mạnh như chạy, nhảy dây, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, đi bộ, quần vợt và thậm chí nhảy lên nhảy xuống tại chỗ đều là những cách hữu ích để tăng cường cơ bắp, dây chằng và khớp của bạn.
4.2.2. Chế độ ăn uống
Canxi rất quan trọng để duy trì sức khỏe của xương. Người lớn cần 700mg mỗi ngày, bạn có thể nhận được lượng này từ chế độ ăn uống hàng ngày.
- Lượng canxi và vitamin D mà mọi người cần mỗi ngày để giữ cho xương chắc khỏe theo nhóm tuổi:
Nguồn: Viện Y học ứng dụng Việt Nam
- Thực phẩm nào chứa canxi?
- Cá (chẳng hạn như cá hồi và cá ngừ)
- Rau lá xanh (như cải xoăn và phần lá xanh của củ cải)
- Đậu phụ (được bổ sung canxi)
- Cá nhỏ có xương (bao gồm cá mòi và cá hồi đóng hộp)
- Sữa và các sản phẩm từ sữa khác, như phô mai và sữa chua.
- Nguồn vitamin D tốt trong chế độ ăn uống
Bên cạnh đó, vitamin D cũng rất quan trọng cho xương và răng khỏe mạnh vì nó giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Tất cả người lớn nên tiêu thụ 10 microgam vitamin D mỗi ngày.
- Cá có dầu, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu
- Thịt đỏ
- Gan
- Lòng đỏ trứng
- Thực phẩm tăng cường, chẳng hạn như hầu hết các loại phết chất béo và một số loại ngũ cốc ăn sáng
Tuy nhiên, có thể khó có đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm. Vì vậy, hãy cân nhắc việc bổ sung hàng ngày có chứa 10 microgam vitamin D.
- Vitamin D thúc đẩy sức khỏe của xương theo những cách sau:
- Giúp hấp thụ canxi mà chúng ta có được từ thực phẩm.
- Cùng với canxi, vitamin D còn giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương ở người lớn tuổi.
- Thúc đẩy hoạt động lành mạnh của cơ bắp và hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Khi trẻ không hấp thụ đủ vitamin D, trẻ có thể phát triển bệnh còi xương. Khi mắc bệnh còi xương, xương trở nên mềm, yếu, bị biến dạng và đau đớn.
Kết luận
Thông qua bài viết, Thẩm mỹ CC đã cung cấp cái nhìn tổng thể về quá trình lão hóa ở xương. Quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm: di truyền, chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất và sức khỏe nói chung. Ngoài ra, bài viết cũng đề xuất các biện pháp phòng ngừa như bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, và hạn chế các thói quen xấu có thể giúp giảm tốc độ lão hóa xương và ngăn ngừa loãng xương. Từ những thông tin này, Thẩm mỹ CC hy vọng rằng mọi người sẽ có nhìn nhận đúng đắn hơn về lão hóa ở xương, cũng như là cách nhận biết và phòng ngừa từ sớm.